Tài sản cố định hữu hình là gì

Tài Sản Cố Định Hữu Hình Là Gì? Cách Tính Nguyên Giá TSCĐ Hữu Hình

Tài sản cố định hữu hình là loại tài sản nắm giữ tỷ lệ lớn nhất trong các doanh nghiệp hiện nay và đem lại lợi ích kinh tế không ít cho doanh nghiệp trong suốt vòng đời sử dụng.

Vậy tài sản cố định hữu hình là gì và cách tính nguyên giá tài sản cố định hữu hình sẽ được trình bày ở bài viết dưới đây của Chứng Chỉ Kế Toán

1. Khái Niệm Tài Sản Cố Định Hữu Hình Là Gì?

Căn cứ vào Điều 2 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ban hành thì:

Tài sản cố định hữu hình là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thỏa mãn những tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên được hình thái vật chất ban đầu như máy móc, thiết bị, nhà cửa, phương tiện vận tải,…

VD: Một doanh nghiệp sản xuất ô tô nhập về một máy lắp ráp khung sườn cho ô tô trị giá là 15 tỷ đồng sử dụng cho nhiều chu kỳ sản xuất ô tô thì đây là TSCĐ hữu hình của doanh nghiệp.

2. Đặc Điểm Của Tài Sản Cố Định Hữu Hình

Đặc điểm thường có ở các tài sản cố định hữu hình là:

– TSCĐ hữu hình thường sẽ có tính thanh khoản rất cao (khi bán lại vẫn đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp).

– TSCĐ hữu hình chiếm tỷ lệ lớn trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp.

– TSCĐ hữu hình thường được sử dụng là căn cứ hợp lệ để khấu trừ thuế vì các tài sản này thường khấu hao nhiều.

– Khi tham gia vào quá trình sản xuất các TSCĐ hữu hình thường hay bị hao mòn và giá trị của tài sản sẽ dần chuyển vào chi phí sản xuất trong hoạt động kinh doanh.

– TSCĐ hữu hình có thể được sử dụng vào tài sản thế chấp có đảm bảo khi mà doanh nghiệp cần vay vốn.

Đặc điểm của tài sản cố định hữu hình là gì

3. Các Loại Tài Sản Cố Định Hữu Hình

Các loại tài sản cố định hữu hình trong doanh nghiệp là:

– Nhà cửa, vật kiến trúc là tài sản cố định của doanh nghiệp hình thành qua quá trình thi công xây dựng như trụ sở làm việc, nhà kho, sân bãi, công trình trang trí cho nhà cửa, đường xá, cầu cống, đường sân bay, đường sắt.

– Máy móc, thiết bị là toàn bộ các loại máy móc, thiết bị sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như máy móc chuyên dùng, thiết bị công tắc, dây chuyền công nghệ, máy móc đơn lẻ.

– Phương tiện vận tải là các loại phương tiện bao gồm phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường không, đường ống.

– Thiết bị, dụng cụ quản lý là những thiết bị, công cụ sử dụng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy tính phục vụ quản lý, thiết bị điện tử, dụng cụ đo lường, máy hút ẩm, hút bụi.

– Các TSCĐ là kết cấu hạ tầng có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước giao lại cho các tổ chức kinh tế khai thác, quản lý, sử dụng.

– Các loại TSCĐ khác là toàn bộ các TSCĐ khác chưa được nêu tên ở trên.

4. Tiêu Chuẩn Ghi Nhận Tài Sản Cố Định Hữu Hình

Tiêu chuẩn để ghi nhận tài sản cố định hữu hình tồn tại trong doanh nghiệp căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ do Bộ Tài chính ban hành có những quy định cụ thể như sau:

– Đảm bảo chắc chắn là thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó.

– Thời gian sử dụng phải từ một năm trở lên.

– Nguyên giá tài sản phải được xác định rõ ràng, đáng tin cậy và có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên.

– Nếu nhiều tài sản liên kết với nhau tạo thành một hệ thống mà khi mỗi bộ phận từ hệ thống đó có thời gian sử dụng khác nhau và khi có 1 bộ phận dừng do yêu cầu quản lý nhưng cả hệ thống vẫn hoạt động bình thường và vẫn thỏa mãn các điều kiện ghi nhận thì tài sản đó được coi là 1 TSCĐ hữu hình độc lập.

5. Nguyên Giá Tài Sản Cố Định Hữu Hình Là Gì?

Nguyên giá TSCĐ hữu hình là toàn bộ chi phí mà doanh nghiệp cần phải bỏ ra để có được tài sản cố định hữu hình tính đến thời điểm mà tài sản đó ở trong trạng thái sẵn sàng sử dụng.

6. Cách Tính Nguyên Giá Tài Sản Cố Định Hữu Hình

a. Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm:

Nguyên giá TSCĐ = Giá mua thực tế + Các khoản thuế + Các chi phí liên quan trực tiếp.

Trong đó:

– Giá mua thực tế là giá thực tế phải trả (giá trên hóa đơn bán hàng)

– Các khoản thuế không bao gồm thuế được hoàn lại

– Các chi phí liên quan trực tiếp: là các khoản chi phí phải bỏ ra tính đến thời điểm tài sản cố định ở trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử.

Trường hợp mua TSCĐ cũ, mua của cá nhân.

– Nếu TSCĐ hữu hình mua trả chậm, trả góp:

+ Nguyên giá TSCĐ = Giá mua thời điểm mua + Các khoản thuế + Các chi phí liên quan trực tiếp.

– Nếu TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì

+ Giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng, ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

+ Còn TSCĐ là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá TSCĐ được xác định như trên.

– Trường hợp sau khi mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, doanh nghiệp hủy bỏ để xây dựng mới thì giá trị quyền sử dụng đất được xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Nguyên giá TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng theo như quy định.

b. Nguyên giá TSCĐ mua theo hình thức trao đổi

– Nguyên giá TSCĐ mua theo hình thức là trao đổi với một TSCĐ hữu hình khác không tương tự hoặc là tài sản khác là giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về hoặc giá trị hợp lý của TSCĐ đem trao đổi (sau khi cộng thêm các khoản phải trả thêm hoặc trừ đi các khoản thu về) cộng các khoản thuế, các chi phí liên quan trực tiếp phải chi tính đến thời điểm TSCĐ ở trạng thái sẵn sàng sử dụng.

– Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua theo hình thức trao đổi là một TSCĐ hữu hình tương tự hoặc có thể được hình thành do bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình đem đi trao đổi.

c. Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất

– Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá trị quyết toán của công trình khi đưa vào sử dụng. Trong trường hợp TSCĐ đã đưa vào sử dụng như chưa có thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán theo giá tạm tính và sẽ điều chỉnh sau khi đã quyết toán công trình.

– Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự sản xuất là giá thành thực tế của TSCĐ hữu hình cộng với chi phí lắp đặt chạy thử, các chi phí khác có liên quan trực tiếp tính đến thời điểm TSCĐ hữu hình ở trong trạng thái sẵn sàng sử dụng.

d. Nguyên giá TSCĐ hữu hình do đầu tư xây dựng

– Nguyên giá TSCĐ hữu hình do đầu tư xây dựng cơ bản hình thành theo phương thức giao thầu là giá quyết toán công trình xây dựng theo như quy định cộng lệ phí trước bạ, các chi phí liên quan trực tiếp khác tính đến thời điểm TSCĐ hữu hình ở trong trạng thái sẵn sàng sử dụng. Trường hợp mà TSCĐ do đầu tư xây dựng đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá TSCĐ theo giá tạm tính và sẽ điều chỉnh sau khi đã quyết toán công trình.

e. Nguyên giá TSCĐ hữu hình được tài trợ, được biếu tặng, do phát hiện thừa

– Nguyên giá TSCĐ hữu hình được tài trợ, được biếu tặng, do phát hiện thừa là giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc là tổ chức định giá chuyên nghiệp.

f. Nguyên giá TSCĐ hữu hình được cấp, được điều chuyển đến

– Nguyên giá TSCĐ hữu hình được cấp, được điều chuyển đến gồm các giá trị còn lại của TSCĐ trên sổ kế toán ở đơn vị cấp, đơn vị điều chuyển hoặc giá trị theo đánh giá thực tế của tổ chức định giá chuyên nghiệp theo quy định cộng với các chi phí liên quan trực tiếp tính đến thời điểm TSCĐ hữu hình ở trong trạng thái sẵn sàng sử dụng.

g. Nguyên giá TSCĐ hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp

– Nguyên giá TSCĐ hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp là giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập nhất trí định giá hoặc doanh nghiệp và là người góp vốn thỏa thuận, hoặc do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo như quy định và được các thành viên, cổ đông chấp thuận.

7. Hao Mòn Tài Sản Cố Định Hữu Hình

Hao mòn TSCĐ là do trong quá trình sử dụng tài sản do chịu nhiều tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc chúng bị hao mòn, giá trị sử dụng bị giảm bớt.

Qua những thông tin được Chứng Chỉ Kế Toán trình bày ở bài viết trên đây, mong rằng bạn có thể nắm được tài sản cố định hữu hình là gì và cách tính nguyên giá tài sản cố định hữu hình.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *