Phương pháp nhập trước xuất trước - FIFO

Phương Pháp Nhập Trước Xuất Trước (FIFO)

Phương pháp nhập trước xuất trước FiFo là một trong những phương pháp tính giá xuất kho. Để tìm hiểu kĩ hơn về phương pháp nhập trước xuất trước FiFo, bài viết dưới đây Chứng Chỉ Kế Toán sẽ làm rõ các chi tiết về nội dung của phương pháp, các ưu nhược điểm và cách tính giá xuất kho theo phương pháp nhập trước xuất trước.

»»» Review Khóa Học Kế Toán Tổng Hợp Online Ở Đâu Tốt Hiệu Quả

1. Phương pháp nhập trước xuất trước (FiFo) là gì?

Phương pháp nhập trước xuất trước - FIFO

FiFo là gì? FiFo được biết đến là viết tắt cho “first-in, first-out” (vào trước-ra trước) là một phương pháp kiểm kê chi phí trong đó giả định rằng các mục hàng hoá nhập trước thì sẽ được xuất đi trước.

Điều này nghĩa là mục hàng hóa vào kho lâu nhất sẽ được ghi nhận là đã bán trước.

Phương pháp nhập trước xuất trước áp dụng theo nguyên tắc là nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa nào nhập trước thì sẽ được xuất trước, xuất hết số nhập trước rồi mới đến số nhập sau theo giá của từng lần nhập xuất.

⇒ Do đó thì nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa tồn kho cuối kỳ sẽ được tính theo đơn giá của những lần nhập kho cuối cùng có thể là vào thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ.

Theo phương pháp này thì giá trị của hàng xuất kho được tính theo giá trị hàng tồn kho kỳ trước, hàng nhập kho đầu kỳ hoặc là giữa kỳ còn hàng tồn kho cuối kỳ sẽ là giá thực tế của số hàng nhập kho tại thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ vẫn còn tồn kho.

2. Khi nào sử dụng phương pháp FiFo

Phương pháp nhập trước xuất trước được các doanh nghiệp sử dụng để áp dụng cho các nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa ở bất cứ một loại hình doanh nghiệp nào và sẽ thường được doanh nghiệp sử dụng khi mà giá cả ổn định hoặc là đang có xu hướng giảm xuống.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực là thuốc, thực phẩm chức năng…

3. Ưu nhược điểm của phương pháp nhập trước xuất trước

*Ưu điểm của phương pháp nhập trước xuất trước:

Doanh nghiệp có thể tính ngay được trị giá vốn hàng xuất kho theo từng lần xuất hàng, do vậy đảm bảo việc cung cấp số liệu kịp thời cho kế toán ghi chép các khâu tiếp theo cũng như cho quản lý.

Trị giá vốn của hàng tồn kho sẽ tương đối sát với giá thị trường của mặt hàng đó.

*Nhược điểm của phương pháp nhập trước xuất trước:

Doanh thu của hiện tại được tạo ra từ các giá trị của hàng hóa có từ lâu, không còn phù hợp với những khoản chi phí của hiện tại.

Theo phương pháp này doanh nghiệp với số lượng mặt hàng chủng loại nhiều phát sinh việc nhập xuất liên tục thì chi phí cho việc hạch toán cao cũng như khối lượng hạch toán, ghi chép sẽ tăng lên rất nhiều.

4. Cách tính giá xuất kho theo phương pháp nhập trước xuất trước (FiFo)

Phương pháp nhập trước xuất trước

Nguyên vật liệu nào nhập trước sẽ được lấy giá để tính cho nguyên vật liệu xuất trước, nguyên vật liệu tồn cuối kỳ sẽ được tính theo giá những lần nhập sau cùng trong kỳ.

Có thể hiểu đơn giản là nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa nào nhập trước sẽ được xuất trước, xuất hết lần nhập kho trước rồi mới xuất đến lần nhập kho sau.

5. Bài tập tính giá xuất kho theo phương pháp FiFo

VD: Công ty TNHH ABC hoạt động trong lĩnh vực thương mại, tình hình kinh doanh trong tháng 1/N như sau:

Tồn kho đầu kỳ: 1000 kg hàng hóa A, đơn giá 15000 đồng/kg

Ngày 2/1: nhập kho 200 kg hàng hóa A, đơn giá 16000 đồng/kg

Ngày 6/1: xuất kho 350 kg hàng hóa A

Ngày 9/1: nhập kho 150 kg hàng hóa A, đơn giá 14000 đồng/kg

Ngày 14/1: xuất kho 250 kg hàng hóa A

Ngày 17/1: xuất kho 300 kg hàng hóa A

Ngày 20/1: nhập kho 650 kg hàng hóa A, đơn giá 17000 đồng/kg

Ngày 25/1: xuất kho 500 kg hàng hóa A

Ngày 30/1: xuất kho 450 kg hàng hóa A

Yêu cầu tính giá xuất kho theo phương pháp nhập trước xuất trước (FiFo)

Lời giải:

Tính giá xuất kho theo phương pháp nhập trước xuất trước (FiFo)

Ngày 2/1, trong kho có 1000 kg hàng hóa A với đơn giá 15000 đồng/kg và 200 kg hàng hóa A với đơn giá 16000 đồng/kg

Ngày 6/1, 350*15000 = 5250000 (sau khi xuất trong kho còn 650 kg hàng hóa A với đơn giá 15000 đồng/kg, 200 kg hàng hóa A với đơn giá 16000 đồng/kg)

Ngày 9/1, trong kho có 650 kg hàng hóa A với đơn giá 15000 đồng/kg, 200 kg hàng hóa A với đơn giá 16000 đồng/kg và 150 kg hàng hóa A với đơn giá 14000 đồng/kg

Ngày 14/1, 250*15000 = 3750000 (sau khi xuất trong kho còn 400 kg hàng hóa A với đơn giá 15000 đồng/kg, 200 kg hàng hóa A với đơn giá 16000 đồng/kg và 150 kg hàng hóa A với đơn giá 14000 đồng/kg)

Ngày 17/1, 300*15000 = 4500000 ( sau khi xuất trong kho còn 100 kg hàng hóa A với đơn giá 15000 đồng/kg, 200 kg hàng hóa A với đơn giá 16000 đồng/kg và 150 kg hàng hóa A với đơn giá 14000 đồng/kg)

Ngày 20/1, trong kho còn có 100 kg hàng hóa A với đơn giá 15000 đồng/kg, 200 kg hàng hóa A với đơn giá 16000 đồng/kg, 150 kg hàng hóa A với đơn giá 14000 đồng/kg và 650 kg hàng hóa A với đơn giá 17000 đồng/kg

Ngày 25/1, 100*15000+200*16000+150*14000+50*17000 = 7650000 (sau khi xuất trong kho còn 600 kg hàng hóa A với đơn giá 17000 đồng/kg)

Ngày 30/1, 450*17000 = 7650000 (sau khi xuất trong kho còn 150 kg hàng hóa A với đơn giá 17000 đồng/kg)

Tồn cuối kỳ là 150* 17000 = 2550000

Trên đây Chứng chỉ kế toán đã trình bày chi tiết nội dung của phương pháp nhập trước xuất trước – FIFO, cùng các ưu nhược điểm và cách tính giá xuất kho theo phương pháp nhập trước xuất trước. Mong rằng bài viết hữu ích với bạn đọc!

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *