Kinh nghiệm ôn thi chứng chỉ hành nghề kế toán

Kinh nghiệm ôn thi chứng chỉ hành nghề kế toán

Khi các bạn ôn thi chứng chỉ hành nghề kế toán cần phải lưu ý rất kỹ VAS 01 (Vietnam Accounting Standards – Chuẩn mực kế toán Việt Nam). Dưới đây Chungchiketoan sẽ chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm khi ôn thi chứng chỉ kế toán này

Kinh nghiệm ôn thi chứng chỉ hành nghề kế toán​

VAS 01 là cơ sở, nền tảng để xây dựng các chuẩn mực kế toán khác. VAS 01 có 3 nội dung:

    • 7 nguyên tắc kế toán cơ bản
    • Các nguyên tắc để ghi nhận các yếu tố trên Báo cáo tài chính
    • 6 yêu cầu cơ bản trong kế toán

VAS 01 được đề cập trong đề thi APC theo từng năm các bạn có thể tham khảo khi ôn thi chứng chỉ hành nghề kế toán:

2017 Trình bày nội dung nguyên tắc kế toán phù hợp và nguyên tắc kế toán trọng yếu và lấy ví dụ minh họa trong mỗi nguyên tắc.
2016 Trình bày các yếu tố liên quan trực tiếp đến đánh giá tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh, các tiêu chuẩn ghi nhận và ví dụ minh họa.
2015 Trình bày nguyên tắc nhất quán và nguyên tắc giá gốc? Cho ví dụ?
2014 Trình bày nội dung nguyên tắc kế toán phù hợp và trọng yếu? Nêu ví dụ? Trình bày nguyên tắc cơ sở dồn tích và thận trọng? cho ví dụ?
2011 Trình bày các nguyên tắc kế toán cơ bản và nêu ví dụ cho các nguyên tắc này?

Ôn thi chứng chỉ hành nghề kế toán

>>> Học nghiệp vụ quản trị nhân sự

07 Nguyên tắc kế toán cơ bản cần được lưu ý khi ôn thi chứng chỉ hành nghề kế toán

1. Cơ sở dồn tích

    • Mọi nghiệp vụ đều phải được ghi sổ vào thời điểm phát sinh. Không căn cứ vào thời điểm thực tế thu chi.

2. Hoạt động liên tục

    • Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần (thời gian hoạt động tối thiểu là 12 tháng).
    • Doanh nghiệp được coi là không đáp ứng giả định hoạt động liên tục nếu: Không có hồ sơ xin gia hạn hoạt động khi doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động, doanh nghiệp bị yêu cầu giải thế, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động bởi cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp dự kiến chấm dứt hoạt động.

3. Giá gốc

    • Quy định tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc và giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền mà doanh nghiệp đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của TS vào thời điểm TS được ghi nhận

Ví dụ: Hàng tồn kho phải được ghi nhận theo giá gốc, giá gốc của hàng tồn kho bao gồm các chi phí mua, chi phí chế biến, các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại.

4. Phù hợp

    • Việc ghi nhận chi phí và doanh thu phải phù hợp với nhau. Tức là khi ghi nhận 1 khoản doanh thu phải ghi nhận 1 khoản chi phí tương ứng.

Ví dụ: 1 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ giao dịch cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng trong năm 2019, đồng thời doanh nghiệp sẽ phải ghi nhận các chi phí tương ứng liên quan đến việc tạo ra doanh thu này: Chi phí nhân công cho nhân sự thực hiện, chi phí lương, thưởng, bảo hiểm, thuế TNCN, chi phí ăn ở, đi lại của nhân sự tư vấn hoặc các chi phí khác.

5. Nhất quán

    • Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất, ít nhất là trong 1 kỳ kế toán năm.

Ví dụ: năm 2020 doanh nghiệp quyết định đánh giá hàng tồn kho theo phương pháp nhập trước xuất trước, doanh nghiệp sẽ phải áp dụng phương pháp này một cách thống nhất trong năm 2020

6. Thận trọng

    • Thận trọng trong việc xem xét, cân nhắc, phán đoán, phải được thực hiện một cách thật cẩn thận để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn, đòi hỏi kế toán lập các khoản dự phòng một cách hợp lý.
    • Không được đánh giá cao hơn các tài sản và khoản thu nhập; không được đánh giá thấp hơn giá trị các khoản nợ phải trả và các khoản chi phí.
    • Các khoản thu nhập và doanh thu chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn, chi phí được ghi nhận khi có bằng chứng có thể phát sinh chi phí.

Ví dụ: Ngày 31/12/2019 doanh nghiệp đang vướng vào 1 vụ kiện với khách hàng và hoàn toàn chưa có kết quả cuối cùng từ tòa án, theo ý kiến của Luật sự của Doanh nghiệp thì khả năng cao công ty sẽ bị thua kiện và nếu như bị thua kiện thì số tiền bồi thường có thể lên đến 2 triệu đô la. Khi đó công ty sẽ phải ghi nhận khoản dự phòng phải trả 2 triệu đô la.

7. Trọng yếu

    • 1 thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp thiếu thông tin hoặc thông tin đó không chính xác sẽ làm sai lệch đáng kể đến báo cáo tài chính và làm ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính.
    • Tính trọng yếu cần được đánh giá theo định tính và định lượng.

Ví dụ: tại ngày 31/12/2019, Doanh nghiệp ký hợp đồng góp vốn với bên đối tác để thành lập cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, thì khi đó doanh nghiệp sẽ phải thuyết minh đầy đủ thông tin về việc ký kết hợp đồng liên quan trên báo cáo tài chính.

Các thông tin trên cũng có thể rất hữu ích với các bạn ôn thi chứng chỉ hành nghề kiểm toán.

6 yêu cầu cơ bản trong kế toán

1. Trung thực
    • Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
2. Khách quan
    • Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo.
3. Đầy đủ
    • Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót.
4. Kịp thời
    • Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được chậm trễ.
5. Dễ hiểu
    • Các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng. Người sử dụng ở đây được hiểu là người có hiểu biết về kinh doanh, về kinh tế, tài chính, kế toán ở mức trung bình. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong báo cáo tài chính phải được giải trình trong phần thuyết minh.
6. Có thể so sánh
    • Các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh được khi tính toán và trình bày nhất quán. Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh để người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh thông tin giữa các kỳ kế toán, giữa các doanh nghiệp hoặc giữa thông tin thực hiện với thông tin dự toán, kế hoạch.
⇒ Yêu cầu kế toán quy định tại các đoạn nói trên phải được thực hiện đồng thời.

 

Hy vọng, những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn có thể ôn thi hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Xem thêm: Học xuất nhập khẩu ở đâu tốt nhất Hà Nội và TPHCM

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *